5 Công Thức Marketing Không Thể Bỏ Qua Trong Mùa Dịch
Sự thay đổi hành vi và thói quen của người tiêu dùng là một trong những hệ quả của đại dịch Covid-19, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn vì sự chuyển biến của xã hội không diễn ra đúng với những chiến lược đã hoạch định từ trước. Hơn bao giờ hết, lãnh đạo doanh nghiệp cần nhanh chóng đưa ra các kịch bản Marketing mới để thích nghi. Không dừng lại ở mức độ “tồn tại”, Digital Marketing là một “bước đệm” thiết yếu trong mùa dịch, mở ra các cơ hội mới cho doanh nghiệp trong thị trường cạnh tranh đầy biến động cho cả hiện tại và tương lai,
Thói quen tiêu dùng đã thay đổi như thế nào trong mùa dịch?
Vòng xoáy Covid hiện tại đang khiến chúng ta bất ngờ và bật ngửa với tốc độ thay đổi khó lường, đặc biệt là với tâm lý và hành vi của người tiêu dùng. Trong giai đoạn này, mọi người dành phần lớn thời gian sinh hoạt và làm tất cả các công việc tại nhà. Chính vì điều đó, người tiêu dùng chủ động tiếp nhận thông tin trên internet nhiều hơn, hình thành thói quen mua sắm online không chỉ ở các bạn trẻ, mà những người lớn tuổi cũng dần hòa nhập vào cuộc đua công nghệ này.
Công thức marketing nào hiệu quả trong thời kỳ Covid-19?
Để giúp cho các doanh nghiệp có thể “nhẹ gánh lo” trong thời đại kinh doanh khó khăn, nhiều đơn vị loay hoay không biết nên áp dụng cách thức Marketing nào để có thể tiếp cận đến khách hàng tiềm năng. Hãy tham khảo các công thức Marketing có tiềm năng hiệu quả sau nhé!
1. Lấy khách hàng làm trọng tâm
Với thời đại marketing 4.0, doanh nghiệp không phải bán “cái mình có” mà phải bán “thứ khách hàng cần”. Chính vì thế, khi khách hàng thay đổi nhu cầu hoặc hành vi, chúng ta cũng phải chuyển mình để thích ứng với điều đó mới có thể tiếp cận và bán hàng thành công.
Xem khách hàng là trọng tâm là một trong những chiến lược mà doanh nghiệp cần phải ưu tiên hàng đầu. Lắng nghe và thấu hiểu những tâm tư tình cảm của họ, từ đó cung cấp các giải pháp hỗ trợ khách hàng. Thay vì chỉ tìm cách “đào túi” người tiêu dùng, các doanh nghiệp nên tạo ra những giá trị bền vững cho thương hiệu bằng cách chăm sóc, thường xuyên hỏi thăm họ.
Nhân cách hóa thương hiệu cũng là một ý tưởng vô cùng hay, mang đến sự gần gũi và thu hút sự tương tác của khách hàng, tạo nên sự tin tưởng bền chặt ở cả 2 bên.
Có một điều các doanh nghiệp thường hay bỏ quên trong quá trình phát triển thương hiệu, nhất là trong giai đoạn đại dịch đầy biến động, rằng chúng ta quá mải mê đuổi theo khách hàng tiêu dùng mà quên lãng những khách hàng “nội bộ”, đó chính là những nhân viên trong công ty. Họ là những người giúp bạn tạo ra những giá trị cho thương hiệu, giúp bạn bán hàng tạo doanh thu. Khi họ hạnh phúc thăng hoa, họ sẽ lan tỏa những điều tốt đẹp đó đến cho khách hàng tiêu dùng. Chính vì thế, doanh nghiệp cũng đừng quên chăm sóc nhân viên của mình nữa nhé!
2. Chuyển đổi hoạt động từ offline sang online
“Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn cách các doanh nghiệp vận hành.” – John Copeland, Phó Chủ tịch mảng Customer & Marketing Insight tại Adobe nhận định.
Sự thay đổi không chỉ diễn ra một phần, một góc mà đó chính là sự thay đổi hoàn toàn về cả tầm nhìn lẫn chiến lược kinh doanh. Doanh nghiệp nào biết tận dụng Marketing trực tuyến trong mùa dịch sẽ nắm chắc phần thắng trong “cuộc chơi” này.
Trong khi lượng người truy cập vào mạng Internet mỗi ngày không ngừng gia tăng thì số lượng khách hàng dành cho các hoạt động offline trở nên vắng vẻ hơn bao giờ hết. Ở thời điểm này, nếu bạn là người nhanh nhạy, nắm bắt được tình hình của cuộc chơi “số”, bạn vẫn sẽ có thể tiếp cận và bán hàng cho khách hàng. Một số doanh nghiệp đã tận dụng thời cơ này để chuyển hướng hoạt động từ offline sang online, chẳng hạn như các lớp học, workshop trực tiếp nay đã chuyển sang hình thức Livestream, Webinar; quán ăn chạy quảng cáo giao hàng tận nhà, hay phòng gym mở các lớp học online có giáo trình hướng dẫn cụ thể được giám sát thông qua điện thoại, máy tính,… Trong giai đoạn này, doanh nghiệp thay vì “án binh bất động” chịu trận, hãy tạo ra cơ hội mới để tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh.
BRNDY cho bạn thêm một lý do để có thể cân nhắc khi thực hiện các chiến dịch Marketing và Bán hàng trên nền tảng số – đó chính là tiết kiệm chi phí. So với bán hàng offline, bạn không cần phải chi trả tiền mặt bằng khi bán hàng online – vốn là một chi phí vô cùng đắt đỏ trong thời điểm khó khăn. Hơn nữa, các nền tảng online cho phép thương hiệu, sản phẩm của bạn có thể tiếp cận đến hàng nghìn, triệu khách hàng mục tiêu mỗi ngày.
Với công nghệ hiện nay, mạng xã hội chính là vùng đất vàng để xây dựng và phát triển thương hiệu, và Thương mại điện tử chính là một nền tảng bán hàng “đáng nể”. Chỉ qua vài cú nhấp chuột, ai cũng có thể tậu về những sản phẩm mong muốn từ nhu yếu phẩm, thực phẩm tươi sống, đến quần áo, thiết bị điện tử, vật dụng decor,… Chính vì sự tiện lợi đó, nhiều khách hàng lớn tuổi cũng đã nhanh chóng thích nghi, sử dụng Website và sàn thương mại điện tử để mua hàng – đảm bảo thực hiện giãn cách và an toàn trong giai đoạn dịch bệnh.
Điều này không chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn hạn mà chúng tôi dự đoán rằng trong tương lai, nó sẽ hình thành nên một hành vi mua sắm không thể thiếu cho phần lớn người tiêu dùng Việt Nam. Đừng chần chờ, hãy hành động ngay hôm nay để nắm bắt cơ hội kinh doanh này cho doanh nghiệp!
3. Lan toả thông điệp tích cực đến khách hàng
Yếu tố cảm xúc là vô cùng quan trọng, khách hàng muốn nhìn thấy được sự đồng cảm và thấu hiểu của doanh nghiệp trước sự khó khăn mà họ đang gặp phải. Từ đó cung cấp những giải pháp chất lượng, thỏa mãn nhu cầu.
Quảng cáo bình thường và phổ thông cần phải được thay đổi bằng những nội dung hướng về cuộc sống lành mạnh, cũng như thúc đẩy hình ảnh tích cực đến mọi người thời gian dịch bệnh. Dù đang hoạt động về bất kì lĩnh vực nào, doanh nghiệp vẫn có thể hòa mình vào đám đông và gửi những thông điệp tích cực trong mùa dịch. Bên cạnh đó, bạn có thể chỉ dẫn người tiêu dùng về các mẹo vặt, tip hướng dẫn làm nhiều thứ tại nhà chẳng hạn như nấu ăn hay tập thể dục. Trong thời điểm nhạy cảm hiện nay, khách hàng cực kỳ quan tâm tới những thông tin về sức khỏe, hãy thử cố gắng lồng ghép thông điệp này vào và giải thích lý do của nó để thuyết phục khách hàng lựa chọn sản phẩm.
Dù có nhiều cách truyền tải thông điệp, xu hướng làm MV nhạc vẫn được đánh giá là có độ lan tỏa cao, truyền tải thông điệp dễ dàng và giữ nhiệt thị trường. Không chỉ đơn thuần là sự hợp tác giữa doanh nghiệp và người nổi tiếng, bạn cũng có thể hòa mình vào dòng nhạc và truyền tải thông điệp một cách thân thiện hơn.
Hãy truyền thông và hướng khách hàng đến một tương lai tươi sáng với những điều tích cực đang chờ đợi họ. Hãy động viên và tiếp thêm cho họ những động lực mới – tạo nên sự tin tưởng.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, những hoạt động mà doanh nghiệp triển khai ngay lúc này để hỗ trợ người tiêu dùng sẽ giúp doanh nghiệp chiếm trọn tình cảm của họ và tác động đến sở thích mua hàng của họ sau này, khi cuộc sống trở lại bình thường.
4. Kích cầu tiêu dùng bằng các mô hình kinh doanh “tương lai”
Ở thời điểm này, hiếm có khách hàng nào chịu chi tiền để sử dụng dịch vụ. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có nhu cầu mà họ chỉ đang chuyển hành vi mua sắm từ nơi này sang nơi khác, từ thời điểm này sang thời điểm khác. Bởi vì nhu cầu không nhất thiết phải sử dụng ngay lập tức, nó có thể được sử dụng ở tương lai.
Hãy tạo ra những dịch vụ dài hạn, cái mà khách hàng có thể sử dụng chúng sau đại dịch. Chẳng hạn bạn có thể bán Thẻ thành viên có giá 400.000đ với giá trị mua sắm sản phẩm đến 600.000đ; hay một gói tập Yoga với giá ưu đãi và lớp học sẽ được diễn ra sau 2 tháng nữa (thời điểm mà bạn dự đoán dịch bệnh đã lắng xuống).
5. Yếu tố cảm xúc được đặt lên hàng đầu
Những nội dung tác động cảm xúc mạnh mẽ tới khách hàng thường khiến họ có xu hướng mua hàng nhiều hơn. Đây là yếu tố cần được chú ý không kém, bên cạnh việc tập trung vào sản phẩm. Vì thế, doanh nghiệp có thể lồng ghép sản phẩm vào một hình ảnh tích cực, đồng hành, thân thiện để khách hàng dễ dàng ghi nhớ trong tâm trí.
Cơ bản là con người, khách hàng luôn cần sự thấu hiểu từ người khác về mặt cảm xúc & những khó khăn họ đang gặp phải trong mùa dịch. Thấu hiểu khách hàng không chỉ giúp mang họ đến gần với thương hiệu hơn, mà còn tạo mối quan hệ gắn bó dựa trên sự tin tưởng – thể hiện rằng bạn rất am hiểu, cảm thông, đồng thời biết được điều họ thật sự cần trong tình cảnh đó.
Dẫn dắt cảm xúc bằng những câu chuyện trực quan sẽ thu hút người tiêu dùng tò mò về doanh nghiệp bạn. Thay vì chỉ giới thiệu sản phẩm đơn thuần, không đầu đuôi, hãy lồng ghép sản phẩm vào những câu chuyện thực tế ở đa dạng cung bậc cảm xúc từ nhớ nhung, sợ hãi đến vui tươi, lạc quan – để gây ấn tượng và đắm say công chúng.
Từ những công thức marketing trên, doanh nghiệp có thể linh hoạt thay đổi và triển khai những chiến lược tiếp cận khách hàng, cũng như đổi mới thương hiệu một cách gần gũi và bán hàng thông qua các phương tiện truyền thông kỹ thuật số.
Nếu bạn còn đang lo lắng về chiến lược Digital Marketing cho doanh nghiệp, hãy liên hệ với BRNDY để được tư vấn trực tiếp.