8 Chiến Lược Biến Digital Marketing Thành Lá Át Chủ Bài Cho Doanh Nghiệp SME
Digital Marketing liên tục chứng minh là 1 trong những lĩnh vực hot nhất thời đại ngày nay, đặc biệt trong xu hướng mua sắm online không ngừng tăng trưởng thời kỳ dịch bệnh. Nhận thấy được những lợi ích đó, 9 trên 10 chủ doanh nghiệp SME đã tận dụng chiến lược Digital Marketing như là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của doanh nghiệp và thúc đẩy doanh số bán hàng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi chiến lược, chắc hẳn các doanh chủ cũng gặp phải không ít những khó khăn. Bài viết này sẽ là một “công cụ” hỗ trợ, giúp quá trình xây dựng chiến lược Digital Marketing hoàn thiện nhất.
Tại sao Digital Marketing quan trọng với doanh nghiệp SME?
Ngày nay, Digital Marketing được sử dụng rộng rãi nhằm gia tăng nhận diện thương hiệu và khuyến khích người tiêu dùng trở thành khách hàng trung thành. Khi bạn kinh doanh một cửa hàng nhỏ nhưng không có nhiều ngân sách, việc “đánh bóng” thương hiệu sẽ gặp nhiều thử thách. Tuy nhiên, khi ứng dụng chiến lược Digital Marketing, bạn sẽ tìm ra được cho mình một thị trường ngách phù hợp, tiếp cận đúng với khách hàng đang có nhu cầu với mức ngân sách hợp lý.
Với phương châm ngầm hiểu “Tối đa hóa hiệu suất – Tối thiểu hóa chi phí”, Digital Marketing cho SME chính là “lá át chủ bài” giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu. Khách hàng của bạn chính là những người đang ngồi lướt internet và tìm kiếm một sản phẩm nào đó họ cần. Tại sao lại bỏ lỡ cơ hội này?
Bằng cách đánh giá và chọn lọc những công cụ Digital Marketing phù hợp, bạn sẽ tạo ra được một hệ sinh thái “truyền thông số” cho riêng mình – nơi có những khách hàng mục tiêu và họ được liên kết với Thương hiệu của bạn thông qua những nền tảng kỹ thuật số. Ví dụ, khi bạn giới thiệu một sản phẩm trên Facebook, bạn cũng có thể dẫn Link điều hướng khách hàng qua sàn thương mại điện tử Shopee hay Lazada để đặt hàng. Điều quan trọng là bạn cần xuất hiện trước mắt khách hàng những sản phẩm đúng nhu cầu và thời điểm.
Cùng BRNDY Agency điểm qua 8 chiến lược Digital Marketing cho SME – giúp doanh nghiệp của bạn có thể tiếp cận đến khách hàng tiềm năng nhé!
1. Social Media Marketing (Tiếp thị mạng xã hội)
Đây là một trong những phương thức nhanh chóng, tiện lợi giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm/ thương hiệu và xây dựng tệp khách hàng tiềm năng. Bạn chỉ cần tạo 1 tài khoản doanh nghiệp như Facebook Page, Instagram, Zalo OA…, đăng tải nội dung sản phẩm, cung cấp cho người xem những giá trị đích thực và đừng quên dành tặng cho họ những ưu đãi kích cầu để thôi thúc hành động mua hàng.
Các nền tảng như Instagram hay Facebook luôn đề cao và hỗ trợ các doanh nghiệp SME vươn mình ra thế giới – cho phép bạn tùy chỉnh đối tượng mục tiêu dựa trên sở thích, địa điểm, độ tuổi, giới tính để lọc ra những khách hàng phù hợp với sản phẩm đang kinh doanh.
Tuy nhiên, chúng ta cần marketing đúng cách và phù hợp, vì bản chất mạng xã hội không chỉ là kênh bán hàng, mà còn để xây dựng mối quan hệ lâu bền với khách hàng. Thương hiệu của bạn phải không ngừng sáng tạo và cung cấp giá trị trong mắt khách hàng. Ví dụ như việc tận dụng tính năng mới Instagram Reels, bạn có thể tạo ra những Video sáng tạo với nội dung hướng dẫn, thử thách, tips, behind the scene,… Từ đó khách hàng sẽ hiểu hơn về sản phẩm cũng như có cái nhìn thân thiện và sâu sắc hơn với doanh nghiệp của bạn.
Ngoài việc giới thiệu khách hàng biết đến trang MXH của doanh nghiệp, việc giữ chân họ ở lại lại càng quan trọng hơn. Hãy không ngừng tạo ra những nội dung chất lượng, đều đặn; hình ảnh chỉn chu, phù hợp; lắng nghe chia sẻ của khách hàng; tương tác và giao tiếp với họ nhiều hơn.
Khách hàng thông minh luôn đề cao mối quan hệ thân thiết với một thương hiệu tạo giá trị cho người tiêu dùng
2. SEO (Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm)
Với chiến lược SEO, website doanh nghiệp của bạn sẽ thu hút nhiều lượng truy cập hơn, giúp tăng nhận diện thương hiệu, cũng như tỉ lệ chuyển đổi, nhờ vào cách thức tối ưu hóa công cụ tìm kiếm trên các nền tảng như Google, Bing,… Thương hiệu của bạn sẽ được ưu tiên xuất hiện trên Top công cụ tìm kiếm.
Quá trình thực hiện SEO thường bao gồm việc nghiên cứu từ khóa, chiến lược Onpage và Offpage. Ban đầu bạn có thể không quen với những công cụ này, nên hãy tìm những chuyên viên SEO hoặc các Digital Marketing Agency để được hỗ trợ. Ngoài ra, bạn có thể tham gia những khóa học SEO để có thêm kiến thức và tự mình áp dụng SEO thành thạo.
Đầu tư vào SEO tuy có phần khó khăn và đòi hỏi sự kiên nhẫn của doanh nghiệp, nhưng chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những “con số” ấn tượng trong tương lai. Khách hàng sẽ tìm đến bạn một cách tự nhiên mà không cần thông qua Việc quảng cáo trả phí.
3. Email Marketing (Tiếp thị bằng Email)
Tiếp thị bằng Email là phương pháp không quá đắt đỏ giúp truyền thông đến khách hàng các sự kiện, ra mắt sản phẩm hoặc khuyến mãi – tạo ra cảm giác cá nhân hóa, mang đến cho khách hàng cảm giác được chăm sóc đặc biệt.
Nếu đã có sẵn website với lượng truy cập cao, bạn chắc chắn sẽ có khách hàng đến và tiêu dùng. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẽ tiến hành mua hàng trong lần đầu tiên vào đến website. Lý do vì những người này chưa cảm thấy quen thuộc với thương hiệu, hoặc chưa nhận ra các giá trị sản phẩm của công ty bạn hướng đến. Đây là yếu tố cần được quan tâm để tạo ra một chiến dịch Email Marketing thành công.
Một chiến dịch Email Marketing đem lại hiệu quả cao khi bạn có đủ thông tin khách hàng và sử dụng nó một cách chính đáng. Đừng gửi email dồn dập, bạn sẽ khiến khách hàng cảm thấy phiền phức và có ấn tượng không tốt về thương hiệu. Đây là điều không doanh nghiệp nào mong muốn.
Bạn có thể tham khảo một trong những chiến lược email marketing vô cùng hấp dẫn đến từ Grab.
4. Local Marketing (Tiếp thị địa phương)
Tiếp thị địa phương có tác động mạnh mẽ đến danh tiếng thương hiệu của bạn. Đây là một cách tuyệt vời để tăng lượng khách hàng trung thành khi nhắm đến một khu vực cụ thể.
Có một sự thật bất ngờ, 97% người dùng biết đến một thương hiệu qua Internet. Vì thế, bạn nên quảng bá thương hiệu qua các sự kiện địa phương, hội thảo trên web hoặc Google My Business – một cơ hội để khách hàng đặt câu hỏi, đánh giá và thấu hiểu thương hiệu của bạn nhiều hơn.
Nếu đứng đầu trong bảng xếp hạng Google My Business, thương hiệu của bạn sẽ được hiển thị trước những kết quả mà không cần trả phí, từ đó tăng lượng truy cập đến website. Google My Business hoạt động bằng cách tập hợp thông tin cá nhân của bạn trên Google, những bài đánh giá và dữ liệu Google Analytics để tăng khả năng hiển thị tìm kiếm, cũng như độ tin cậy cho doanh nghiệp. Cho nên, việc có nhiều lời chứng thực và đánh giá tốt là lợi thế rất lớn để gia tăng độ hiển thị trong Google My Business.
5. Co-marketing (Marketing hợp tác)
Marketing hợp tác mang mục đích xây dựng mối quan hệ bền vững và hướng đến lợi ích lâu dài, bao gồm cơ hội phát triển kinh doanh, gia tăng nhận diện thương hiệu với lượng khách hàng từ hai bên.
Sự cộng tác sẽ góp phần gia tăng sức ảnh hưởng của doanh nghiệp trên thị trường, và thu hút nhiều đối tác mới hơn. Cho nên, bạn cũng phải cần xem xét những yếu tố khi ký kết một thương vụ hợp tác:
- Đồng bộ những tài liệu quảng cáo khác nhau từ hai bên
- Thể hiện mối cộng tác bằng các ưu đãi đặc biệt
- Cùng tổ chức hội thảo trên web hay các sự kiện giáo dục
- Chia sẻ nguồn lực PR báo chí
- Xây dựng mối liên kết các bên
- Quan hệ đối tác trong tiếp thị nội dung
Ví dụ về sự cộng tác: Cửa hàng sách online A sẽ đính kèm voucher giảm giá thức uống tại quán cà phê B trong mỗi gói hàng; cùng lúc đó, quán cà phê B sẽ đặt banner và standee quảng bá cuốn sách mới của cửa hàng A. Hay 1 doanh nghiệp có thể làm podcast cùng một doanh nghiệp khác để chia sẻ những góc nhìn trong cùng lĩnh vực, từ đó PR thương hiệu chéo đến khách hàng tiềm năng 2 bên một cách thân mật.
Những lợi thế của sự cộng tác mang lại cho hai bên là vô tận, mang nhiều kết quả hơn so với việc mỗi doanh nghiệp tự tiếp cận khách hàng. Chỉ cần 2 bên doanh nghiệp xác định được đối tượng khách hàng chung và chia sẻ những giá trị phải tuân thủ, là đã có thể thực hiện tốt chiến lược này.
6. Influencer Marketing (Tiếp thị với người có sức ảnh hưởng)
Việc các thương hiệu lớn hợp tác với Influencer để giới thiệu sản phẩm đến công chúng đã không còn xa lạ với chúng ta, thậm chí mang lại hiệu quả bùng nổ nếu biết tận dụng đúng.
Các Influencer – Người có sức ảnh hưởng thường giới thiệu sản phẩm một cách “quảng cáo nhưng không phải quảng cáo” với những ý kiến chân thành xuất phát từ những cảm nhận cá nhân và chân thật về 1 sản phẩm/ dịch vụ.
Ví dụ, nếu bạn kinh doanh tai nghe, hãy chọn những Influencer có hiểu biết và thường xuyên đánh giá sản phẩm công nghệ. Họ sẽ tinh tế nhắc đến và bình luận về sản phẩm cũng như thương hiệu của bạn và người xem chắc chắn sẽ tò mò để tìm hiểu và đặt mua sản phẩm hay ho này.
Influencer Marketing có thể mang lại hiệu quả cao và nhanh chóng, nhưng đồng thời là con dao hai lưỡi tác động đến hình ảnh thương hiệu. Vì thế, hãy cân nhắc những Influencer uy tín để bảo vệ hình ảnh thương hiệu của mình.
7. Chương trình khách hàng thân thiết
Chương trình khách hàng thân thiết là chiến lược phù hợp nhằm thể hiện sự trân trọng đối với người tiêu dùng và kích thích họ trở thành khách hàng trung thành của thương hiệu. Các yếu tố như tích điểm và xếp hạng tiêu dùng rất hiệu quả và cần thiết trong chiến lược này.
Bạn có thể gợi ý chương trình đến khách hàng sau lần mua hàng và thanh toán lần đầu tiên, hoặc ưu đãi miễn phí giao hàng lần đầu tiên cho họ.
Các chương trình khách hàng phải có nét độc đáo riêng, và cần chú ý đến những giá trị khách hàng nhận được từ chương trình đó. Đừng để khách hàng cảm thấy ngán ngửa khi có quá nhiều chương trình tương tự nhau, hay tệ hơn nữa là những ưu đãi “không thật sự cho đi giá trị”.
8. Active Marketing Content (Tiếp thị nội dung một cách năng động)
Đây có lẽ là phương thức đã quá phổ biến trong marketing. Đúng là có hiệu quả, nhưng bạn phải đảm bảo chiến lược này luôn được triển khai liên tục.
Khác với quảng cáo, Content Marketing là chiến lược mang lợi ích lâu dài, hướng đến sự phát triển bền vững thay vì có khách mua hàng trong tích tắc. Để đạt hiệu quả cao trong Content Marketing, hãy đưa ra những nội dung liên quan, tối ưu SEO các bài viết một cách thật đồng nhất.
Bạn nên hiểu Content Marketing không chỉ đơn giản là đăng những bài blog. Content Marketing hiện đại bao gồm cả podcast, các buổi phỏng vấn, e-book, video, infographic và các hình thức truyền tải nội dung bằng hình ảnh khác. Chiến lược này hoạt động tốt với những phương pháp đã được nhắc ở đầu bài viết, gồm Email Marketing, SEO, Co-marketing,…
Content Marketing có thể không phù hợp với một số lĩnh vực nhất định, và cũng có phần tốn kém để triển khai. Đó là lý do bạn nên lập kế hoạch cụ thể và thực hiện liên tục để duy trì tương tác với người tiêu dùng.
Khi bắt đầu xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp SME cần thiết có sự “tiếp tay” của các phương pháp Digital Marketing. Tùy vào mục tiêu, ngân sách và đối tượng khách hàng mà bạn hướng đến, những chiến thuật được nhắc ở trên có thể giúp bạn gây dựng một thương hiệu nổi tiếng.
Nếu doanh nghiệp của bạn đang gặp khó khăn trong việc xây dựng và kết hợp các chiến lược Digital Marketing sao cho hiệu quả, đừng ngần ngại liên hệ BRNDY Agency – chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn để bạn có được một kế hoạch truyền thông tổng thể tốt nhất, đúng với mục tiêu và định hướng của doanh nghiệp.